Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Từ vượt lên nghiệt ngã đến cuộc đời đã tắt...

Go down

Từ vượt lên nghiệt ngã đến cuộc đời đã tắt... Empty Từ vượt lên nghiệt ngã đến cuộc đời đã tắt...

Bài gửi by cherish Wed Aug 25, 2010 12:41 pm

Chủ Nhật, 07/01/2007, 13:27 (GMT+7)

Vượt lên nghiệt ngã


Từ vượt lên nghiệt ngã đến cuộc đời đã tắt... ImageView
Nụ cười chiến thắng của Hằng khi sau hơn một năm tập đi cô đã lẫm chẫm những bước chân đầu tiên
TTCT - Người viết những dòng tự sự xúc động dưới đây là Nguyễn Thị Thúy Hằng, một người con gái vừa trải qua chín năm nằm liệt giường kể từ khi đang học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Du.

Chúng tôi (TTCT) đã đến nhà Hằng năm 2001 khi cô đang sống lắt lay với chiếc lưỡi hái tử thần lởn vởn. Cuối năm 2006, chúng tôi trở lại Tam Kỳ (Quảng Nam) định bụng thắp cho Hằng một nén hương...

Gần 10 năm qua là khoảng thời gian đặc biệt của tôi... Câu chuyện bắt đầu khi tôi đang học lớp 7. Đó là một ngày của tháng 3-1997.

Máu, toàn máu đỏ tươi!

Hôm đó chỉ có hai chị em ăn trưa với nhau. Đang ăn thì tôi bỗng cảm thấy nhộn nhạo khác thường và theo phản xạ tôi chạy vào nhà vệ sinh để khạc tống ra. “Cái gì thế này? Chắc mình nhìn nhầm thôi”. Tôi mở mắt ra nhìn kỹ một lần nữa: máu, toàn máu đỏ tươi! Một cảm giác lo sợ xâm chiếm lấy tôi, tôi mới 13 tuổi.

Thế rồi tôi được đưa đi bệnh viện để làm xét nghiệm xem có bị lao phổi hay không. Má tôi làm trong ngành y nên má bảo rằng nếu là lao phổi chỉ cần điều trị đúng trong một thời gian ngắn thì sẽ hết.

Kỳ thi học kỳ 2 đang đến gần và tôi được chọn đi thi học sinh giỏi văn thị xã (nay là thành phố Tam Kỳ). Trước hôm thi một ngày, cái cảm giác nhộn nhạo đó xuất hiện và tôi lại khạc ra máu tươi. Tôi quyết định giấu ba má chuyện này vì nếu biết chắc chắn ba má sẽ không cho tôi đi thi. Thế là hôm sau tôi đi thi ba môn đầu tiên của học kỳ 2. Tối về, đang ngồi ở bàn học thì cảm giác tồi tệ ấy lại đến và lần này cả nhà đã chứng kiến tôi khạc ra máu. Tôi đã không ngờ đó là ngày cuối cùng tôi được cắp sách tới trường và những tháng ngày vô tư đã mãi mãi ở lại phía sau.

Tôi lại phải nằm viện, Bệnh viện tỉnh Quảng Nam không chữa được đã chuyển tôi đi Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Thế là tôi phải nằm viện một tháng nhưng các bác sĩ ở đây cũng lắc đầu và một lần nữa tôi lại được chuyển đi Bệnh viện Nhi Việt Nam - Thụy Điển ở thành phố Hà Nội. Đến lúc này thì dù có muốn đi nữa cũng không được vì gia đình tôi không đủ tiền.

Thầy Nguyễn Tấn Sĩ, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du nơi tôi đã theo học, biết chuyện nên đến thăm và hứa sẽ tìm cách giúp đỡ tôi. Thầy hay viết báo và làm thơ nên có biết nhiều báo, và thầy đã giới thiệu hoàn cảnh của tôi đến một tờ báo tại TP.HCM để huy động sự ủng hộ của bạn đọc cho tôi có đủ tiền đi chữa bệnh. Nhưng bệnh của tôi vẫn không chữa được.

Mặc dù vậy má tôi vẫn còn muốn đưa tôi đi một chuyến nữa vào các bệnh viện lớn của TP.HCM, nhưng sau gần một năm đi chăm sóc tôi ở các bệnh viện thì má không thể nghỉ làm thêm nữa, tiền bạc cũng eo hẹp nên ý định đó của má đành xếp lại. Tôi lại sống tiếp những tháng ngày đen tối và kinh hoàng. Tôi thường xuyên ho khạc ra máu, khoảng cách dài nhất của các lần ra máu cũng chưa tới một tuần.

Có ngày tôi khạc ra máu đến tám lần, mỗi lần hơn nửa ly uống nước. Trên giường tôi xếp đầy túi nilông, ba cái lồng vào nhau để chịu được sức nặng của máu. Miệng túi luôn được mở sẵn để khi máu trào lên tôi còn kịp nhổ vào. Thế mà cũng có nhiều lần đã không kịp khiến máu đỏ tươi tung tóe ra mền, mùng, chiếu, giường và cả sàn nhà nữa. Tệ nhất là vào những ngày mùa đông lạnh cóng cả nhà tôi lại phải đi lau, giặt những nơi dính máu.

Mỗi lần tôi khạc ra máu thì một người nào đó trong nhà phải chạy nhanh nhất có thể qua nhà hàng xóm để gọi nhờ điện thoại xuống cơ quan của má để má về tiêm thuốc cầm máu cho tôi. Vì thế bất kể ngày đêm phải luôn có người túc trực bên cạnh tôi, cả nhà tôi lúc nào cũng ở trong tâm trạng thấp thỏm như chạy giặc vậy. Khi đó thuốc cầm máu vừa đắt vừa khó mua nên má tôi phải chạy tiền khắp nơi để đặt trước ở các hiệu thuốc. Gia đình tôi vốn chật vật lại thêm tiền thuốc men cho tôi nữa nên càng khó khăn hơn, nhưng bệnh của tôi thì vẫn còn đó.

Tôi ngày càng mệt hơn, khó thở thường xuyên nên phải nằm trên một chiếc giường ở tư thế nửa nằm nửa ngồi cho dễ thở. Chân của tôi cũng dần yếu đi rồi đến một ngày tôi không còn tự chủ được trong chuyện đi lại nữa. Đối diện nhà tôi có một nhỏ bạn trước đây vẫn hay đi học cùng tôi, giờ trông thấy nhỏ thướt tha trong tà áo dài trắng nữ sinh tôi lại thấy tủi thân. Tôi nhớ da diết những ngày còn đi học mà chỉ có thể khóc thầm thôi.

Nằm chèo queo một mình ở nhà tôi mong có một ai đó đến làm bạn, nhưng khi nhìn vào gương thấy bộ dạng tiều tụy xơ xác như một bà già của mình thì tôi lại không muốn ai đến.

Mười ba, 14, 15, rồi đến 22 tuổi là khoảng thời gian tươi đẹp nhất của đời người mà với tôi là sự thoi thóp, vật vã với bệnh tật.

Phép lạ?


Từ vượt lên nghiệt ngã đến cuộc đời đã tắt... ImageView
Năm đầu tiên nằm liệt giường, Hằng rất ít ăn nhưng tăng cân đến nứt nẻ thịt da và thường xuyên ho ra máu.
Vào cuối năm 2002, có một phép lạ đã đến hay ít ra lúc đó tôi đã nghĩ như vậy. Bẵng đi một thời gian khoảng ba tháng tôi không ho khạc ra máu nữa. Trước đó khoảng cách giữa các lần ra máu của tôi chưa bao giờ lại dài đến thế nên tôi muốn tin rằng tôi đã hết bệnh. Tôi bắt đầu nung nấu ý định quay lại cuộc sống bình thường, sẽ tập đi và đi học trở lại. Thế rồi phép mầu đó đã biến thành một sự đổ vỡ ghê gớm khi tháng 2-2003, cái cảm giác nhộn nhạo như muốn trào ra đó lại đến kéo theo những đợt máu đỏ tươi.

Bệnh của tôi ngày càng nguy kịch, tôi khạc ra máu nhiều hơn, đau tức vùng phổi dữ dội, lúc nào cũng khạc ra dịch vàng có lẫn máu. Tôi thường xuyên sốt cao và gầy rộc đi trông thấy. Đặc biệt là khó thở, có những ngày như địa ngục, tôi không thở được, người tím tái phải đưa xuống Bệnh viện tỉnh Quảng Nam để cấp cứu thở ôxy và tiêm rất nhiều thuốc.

Tình trạng của tôi cũng không khá hơn nên má xin đưa tôi về nhà. Lúc đó nhiều người đã khuyên má nên để tôi “ra đi vì còn hi vọng gì nữa mà chạy chữa”. Nhưng má đã không làm thế và bằng tình yêu của một người mẹ, bà cương quyết bằng bất cứ giá nào cũng sẽ đưa tôi vào TP.HCM chữa bệnh.

Trong tôi lại nhen nhóm hi vọng và rất háo hức chờ đợi tới ngày đi. Chuyến đi được dự định từ cuối năm 2004 nhưng mãi đến ngày 4-9-2005 mới thực hiện được. Má và dì Thủy cùng với nhân viên tàu phải rất vất vả mới đưa được tôi lên tàu cùng với nhiều hành lý lỉnh kỉnh.

Tôi được nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy rồi chuyển lên khoa hô hấp, sau đó đến khoa ngoại lồng ngực. Qua rất nhiều xét nghiệm: máu, nội soi phế quản, làm sinh thiết, chụp CT scanner, chụp mạch máu xóa nền đã có kết quả chính thức. Tôi vẫn còn nhớ rõ hôm đó là thứ năm 22-9-2005: đến giờ khám bệnh, bác sĩ điều trị của tôi đến và sau một hồi lâu dè dặt rào đón cuối cùng tôi cũng biết được sự thật: tôi bị ung thư phổi.

“Mình bị bệnh gì?”, đó là câu hỏi đã theo tôi suốt những năm qua và tôi cũng đã từng nghĩ đến điều tồi tệ nhất, song giờ đây điều đó đã được khẳng định một cách chắc chắn thì nỗi đau này vẫn quá sức chịu đựng của tôi. Tôi đã không ngăn được cảm giác cay đắng dâng lên nghẹn thở. Sao số phận lại nghiệt ngã với mình đến thế, 21 tuổi mà mình đã kịp sống ngày nào cho ra sống đâu, thế mà phía trước là cái án tử đợi sẵn.

Tuy tôi không thể thay đổi sự thật về căn bệnh quái ác này nhưng tôi có thể quyết định việc sẽ có thái độ nào để đối diện với nó: mình chỉ được phép buồn và khóc nốt hôm nay nữa thôi, ngày mai sẽ phải khác.

Sáng hôm sau tôi soi gương để chải và buộc gọn lại tóc, và nhờ má giúp tôi ngồi lên xe lăn để đẩy ra vườn hoa của bệnh viện dạo chơi. Tôi gần như đã mỉm cười với tất cả mọi người và cảm thấy cuộc sống thật đáng yêu. Những ngày đợi mổ của tôi đã diễn ra như vậy. Trước hôm mổ có một số người cùng khoa đã hỏi tôi: “Sao sắp mổ mà mặt mũi rạng rỡ thế?”. Tôi đã rất vui với câu hỏi ấy.

Ngày 4-10-2005, tôi được đẩy vào phòng mổ để bắt đầu cuộc đại phẫu mở lồng ngực cắt một phần phổi lấy khối u. Khi tỉnh lại tôi thấy mình đang nằm trong phòng cấp cứu thở oxy và truyền đạm. Bên sườn của tôi có một cái ống nhựa to đặt sâu vào trong phổi để dẫn lưu máu và dịch mổ vào một cái chai thủy tinh lớn đặt dưới đất. Cảm giác đầu tiên là đau ghê gớm trong phổi. Dịch và máu nhầy nhụa khiến tôi như ngợp thở mà không sao khạc ra được vì đau quá. Má và dì Thủy thay phiên nhau dùng gạc mềm để móc và đưa dịch và máu từ trong họng tôi ra.

“Tôi đã về muộn mất rồi!”


Từ vượt lên nghiệt ngã đến cuộc đời đã tắt... ImageView
Lần đầu tiên sau chín năm nằm liệt giường Hằng đã tự bước ra khỏi cửa
Tôi mổ được hơn một tuần thì có một bác đồng hương Quảng Nam đến tìm gặp má và dì Thủy. Thế rồi má lên xin bác sĩ cho tôi ra viện mua vé tàu gấp trở về. Má chẳng nói gì suốt trên đường về, không khí nặng nề bao trùm.

Từ ngoài cửa mùi khói hương ở đâu xộc vào mũi tôi và trời ơi giữa nhà là bức di ảnh của ba. Tôi đã về muộn mất rồi vì ba đã được chôn hôm qua. Trong thời gian tôi nằm viện ba đã đau nặng. Một thời gian dài sau đó tôi vẫn không quen được với cảm giác đã mất ba.

Trong thời điểm tồi tệ đó có một người đã xuất hiện trong cuộc đời tôi. Đó là cô Lê Vương Hạnh Diễm, cô chính là vợ của thầy giáo dạy văn cấp III của em trai tôi. Kể từ khi tôi đi viện về tháng 10-2005, dù nắng hay mưa ngày nào cũng vậy, sau giờ làm việc cô đều ghé lại thăm và an ủi động viên tôi.

Mặc dù chẳng khá giả gì song lần nào đến cô cũng mang cho tôi khi thì sữa, khi thì bánh, lúc khác thì trái cây, thuốc bổ... Thấy tôi ăn kém, cô đã tự tay đút cơm cho tôi nữa. Sợ tôi buồn, cô đã giới thiệu rất nhiều học trò của vợ chồng cô đến làm bạn với tôi. Với tôi, cô giống như một thiên sứ và tôi thật may mắn vì đã được gặp cô.

Đôi lúc tôi cũng ao ước về một tình yêu, một gia đình nhỏ và những đứa con. Điều đó có thể không bao giờ tôi có được nhưng cuộc đời đâu chỉ có vậy!

Mười năm bị bệnh hết đi bệnh viện lại nằm ở nhà đã làm mọi thứ trong cuộc đời tôi đảo lộn hết. Học vấn chỉ đến lớp 7 và cũng đã nghỉ rất lâu rồi. Tôi giống như một kẻ đã sống quá lâu trong rừng, thế giới ngoài kia với tôi đầy lạ lẫm và khác biệt. Nhận thức về xã hội, nếp sống, nếp nghĩ của tôi chỉ là của một đứa bé to xác.

Càng ngày tôi càng nhận ra phải cần rất nhiều thời gian để tôi có thể cân bằng được khoảng cách ấy và hòa nhập được với mọi người. Có thể tôi chỉ còn sống được năm năm hoặc ít hơn, và với thời gian như vậy có đủ để tôi thay đổi được cái gì đó hay không?

Bây giờ ba mất rồi, chỉ còn một mình má cáng đáng lo cho em tôi ăn học rồi thuốc men cho tôi nữa. Hễ ai mách có bài thuốc nào chữa được bệnh cho tôi là má lại lặn lội đi tìm mua bất kể đường sá xa xôi, lên rừng hay xuống biển. Từ khi mổ về mỗi ngày tôi phải uống năm chén thuốc, và để có được năm chén thuốc vừa thuốc nam vừa thuốc bắc ấy thì ngày nào cũng vậy, dì Thủy phải dậy từ lúc 3 giờ sáng để lui cui sắc thuốc cho tôi.

Tôi thương má và dì Thủy lắm mà không giúp gì được cả. Tôi bỗng nhớ đến những người thầy, các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy và rất nhiều người đã quyên góp tiền để tôi có thể đi chữa bệnh, tôi không sao kể tên hết được những người đó. Tôi thấy mình đã nợ cuộc đời rất nhiều những món nợ ân tình.

Lẽ nào mình cứ an phận làm một đời thực vật như thế này? Không, mình không muốn làm gánh nặng cho gia đình thêm nữa, mình không muốn cứ mãi đáng thương hại trong mắt mọi người.

Tôi vẫn cho rằng mình còn sống đến ngày hôm nay sau bao nhiêu biến cố là một điều kỳ diệu, nhất là từ khi mổ về đến nay tôi không còn ho khạc nữa. Ai cũng chỉ được sống có một lần thôi, sao tôi không thử thay đổi cuộc đời mình.

Phía có ánh mặt trời

Đầu tiên là phải tập luyện để đi lại được cái đã. Buổi sáng tôi tập hít thở theo phương pháp dưỡng sinh và khởi động bằng những bài thể dục đơn giản, tập cơ bụng rồi xoa bóp chân như sự hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu, rồi vịn tường nhích từng bước một.

Thời gian đầu cái chân không di chuyển theo ý mình, cảm giác như nó không phải là chân của tôi. Tôi đã ngã bầm khắp người. Những lúc như vậy thì khao khát được quay về cuộc sống bình thường, được tự định đoạt cuộc đời mình, và cứ nghĩ đến ánh mắt của những người yêu quí sẽ ngạc nhiên vui sướng bao nhiêu khi trông thấy tôi đi lại được đã cho tôi sức mạnh và sự khích lệ rất lớn.

Tôi đã tập và tập cho đến lúc mồ hôi ướt hết quần áo và chảy thành hàng dài trên sàn nhà. Ngày nào tôi cũng tập đều đặn và càng tập càng thấy mỗi ngày một khá hơn. Tôi tin đích đến đã rất gần rồi. Sau một năm dài luyện tập tôi đã đi lại được và cảm giác được tự đi lại trên chính đôi chân của mình thật tuyệt vời, cứ như tôi có thể chạm tay được đến những đám mây trên bầu trời trong xanh ngoài kia vậy.

Có thể nói cuộc đời tôi dường như đã bước sang trang mới nhưng tôi biết con đường phía trước của mình không hề dễ dàng. Nhưng tôi tin sẽ tìm được con đường khác để khiến cuộc sống của tôi có ý nghĩa. Tôi đang hướng tới việc tìm học một nghề phù hợp với khả năng của mình để được say mê với nó, để thấy cuộc sống của mình được vận động.

Tôi thèm cảm giác được lao động, được làm việc, được thấy mình có ích cho đến khi không được nữa thì thôi. Điều quan trọng không phải là sống được bao lâu mà là sống như thế nào.

Suốt mười năm qua những người thân trong gia đình tôi đã chịu biết bao đắng cay, vất vả để lôi tôi từ cõi chết trở về. Bên cạnh đó trong những lúc đen tối nhất, tuyệt vọng nhất của cuộc đời mình, tôi đã luôn nhận được sự quan tâm nâng đỡ của rất nhiều người tốt, có những người tôi chỉ gặp một lần nhưng đã cho tôi chỗ dựa tinh thần và niềm tin vào cuộc sống. Nghĩ về họ, tôi thấy lòng thật ấm áp và được tiếp thêm sinh lực.

Tôi mãi mãi biết ơn và trân trọng những nghĩa cử cao đẹp mà mọi người đã dành cho tôi. Tôi phải sống tích cực hơn như một sự tri ân của mình đến những tấm lòng tốt ấy. Tôi tin những cố gắng sẽ không bao giờ vô ích, vì thế tôi sẽ luôn nhìn về phía trước, phía có ánh mặt trời.

NGUYỄN THỊ THÚY HẰNG

.............................................................

Thứ Tư, 25/08/2010, 02:12 (GMT+7)

Nhật ký phóng viên:

Một nụ cười đã tắt

TT - Đầu năm 2007, tự sự “Vượt lên nghiệt ngã” của Nguyễn Thị Thúy Hằng (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) được đăng trên báo Tuổi Trẻ, bạn đọc cả nước ngỡ ngàng vì nghị lực phi thường của cô gái sau 10 năm bại liệt đã có thể đi lại và còn vượt qua được căn bệnh ung thư phổi.


Từ vượt lên nghiệt ngã đến cuộc đời đã tắt... ImageView
Liệu Hằng còn có thể cười rạng rỡ như thế này nữa? (Ảnh chụp Hằng gần bốn năm về trước) - Ảnh: T.L.

Càng đặc biệt hơn khi năm ấy, Hằng không là nhân vật trong cuộc thi “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống” do báo Tuổi Trẻ phát động, nhưng vẫn được chọn trao giải vì câu chuyện đời quá cảm động về niềm tin và hi vọng vào cuộc sống. Cuộc sống đã mở ra với Hằng từ đó.

Em truyền cho người khác sức mạnh niềm tin, sự lạc quan trước cái chết trong lần đầu gặp gỡ. “Tuy tôi không thể thay đổi sự thật về căn bệnh quái ác, nhưng tôi có thể quyết định sẽ có thái độ nào để đối diện với nó”, Hằng đã viết như vậy và thật sự em đã đứng lên bằng chính nghị lực của mình để luôn “nhìn về phía mặt trời”.

Trong căn nhà u ám của Hằng đã bắt đầu có những tia nắng đầu tiên xuyên qua khung cửa, có tiếng cười giòn tan của người mẹ cả đời cam khổ, của đứa em trai đang cố sức học hành. Gần bốn năm nay Hằng vẫn an nhiên sống chung với căn bệnh ung thư.

Mỗi ngày em tự ôn lại kiến thức từ năm lớp 7 dở dang, phụ mẹ sắp xếp lại tấm vé số, nhận trẻ em về nhà chăm sóc... Cuộc sống khó khăn chật vật mà bình yên vì chẳng thiếu niềm vui. Hằng có nhiều bạn bè, có nhiều điều thú vị được chia sẻ từ khắp nơi. Mẹ Hằng cũng đã cảm nhận được hơi ấm của hạnh phúc, dẫu mỗi ngày phải bôn ba với xấp vé số từ sáng sớm đến khuya lắc khuya lơ...

Nhưng đêm hôm kia, 10 giờ tối 22-8, bà Nguyễn Thị Thúy - mẹ Hằng - đã mất vì tai nạn giao thông lúc đang trên đường đi bán vé số. Một tai nạn như nhiều tai nạn khác vẫn thường xảy ra ở thành phố này, nhưng với cô gái Nguyễn Thị Thúy Hằng điều này đã vượt quá sức chịu đựng...

Nét tươi vui lạc quan thường thấy trên khuôn mặt Hằng không còn nữa. Nhưng em vẫn kiên cường chịu đựng tận cùng nỗi đau. Cũng như 14 năm trước, mẹ đã lầm lũi làm con lạc đà tha em xuôi Bắc ngược Nam tìm thuốc chữa bệnh. Như bốn năm qua Hằng đã “sống” với căn bệnh ung thư phổi bằng nghị lực kiên cường và tình yêu của mẹ.

Mấy ngày trước Hằng đã cảm thấy bất an, bụng dạ cứ bồn chồn. Lồng ngực khi trĩu nặng, khi trống hoác. Một dự cảm rằng số phận sẽ dừng lại ở đây với Hằng. Sẽ không còn bao nhiêu ngày nữa.

Có khi đây là mùa Vu lan cuối cùng em còn tự cài cho mình bông hồng đỏ, còn được tự tay xoa bóp đôi vai gầy của mẹ mỗi đêm bán vé số về. Hằng vẫn luôn cố cười để trấn an mẹ. Nhưng dự cảm trong lồng ngực đã đặt sai số phận, “số phận đã làm điều ngược lại, mẹ không phải đau đớn nhìn em ra đi. Cũng may vì em có thể làm trọn trách nhiệm của một người con là được lo cho mẹ yên nghỉ” - Hằng nghẹn ngào nói.

Biết thế nhưng mọi thứ với gia đình nhỏ bé này vẫn còn dang dở...

Biết thế vẫn cứ thấy đắng lòng...

Ngày Vu lan, trời mãi mưa dầm. Có một nụ cười đã tắt.

MỸ TRÂM
cherish
cherish
Quản trị diễn đàn
Quản trị diễn đàn

Tổng số bài gửi : 297
Điểm danh vọng : 4

http://window.lovelyforum.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết